Monday, April 8, 2013

SEVT - THÁI NGUYÊN

Có dịp tham gia khảo sát Địa chất công trình, phục vụ xây dựng kho chứa hàng cho nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) tại khu công nghiệp Yên Bình – huyện Phổ Yên – tỉnh Thái Nguyên, tôi mới thấy phần nào thấy được một số vấn đề tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại và tái định cư ở đây.
(Khảo sát xây dựng tại khu nhà máy SEVT -
Ảnh chụp 4/2013)
Dự án SEVT được xây dựng trong khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích 100 hecta, có công suất thiết kế 100 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự kiến, cuối năm 2013, nhà máy sản xuất điện thoại di động và các linh kiện cho điện thoại di động sẽ đi vào hoạt động sản xuất và sử dụng khoảng 2.000 lao động.
Chủ trương và đường lối của Nhà nước là luôn mở rộng cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, công ty nước ngoài vào đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. Một trong những động thái tạo điều kiện thuận lợi đó, là đơn giản hóa thủ tục hành chính, xúc tiến và đẩy nhanh quá trình san lấp, giải phóng và bàn giao mặt bằng để lấy diện tích xây dựng các công trình phục vụ sản xuất. Khu công nghiệp Yên Bình nói chung, nhà máy SEVT nói riêng, được cho là hai dự án có tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Cuộc sống của người dân trong vùng thuộc dự án nhìn chung vẫn còn khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, một số diện tích trong thung lũng trồng lúa, đất trên đồi thường trồng lạc, sắn và các cây nông nghiệp ngắn ngày khác. Việc thu hồi đất phục vụ xây dựng khu công nghiệp đã lấy đi không ít diện tích đất ở cũng như đất canh tác của người dân nơi đây.
(Hoa màu trong vùng dự án -
Ảnh chụp 4/2013)
Có những hộ diện tích đất ở và đất canh tác lên tới vài hecta bỗng chốc thuộc diện di dời và giải tỏa. Nhà nào diện tích đất lớn, đồng nghĩa với việc tiền đền bù sẽ nhiều. Nhiều thì vài tỷ, có khi ít chỉ được vài chục triệu. Mất đất ở, mất đất canh tác, người dân nơi đây chưa biết trông chờ vào điều gì trong tương lai để sản xuất và sinh sinh sống?
Việc xây dựng khu tái định cư cho những hộ thuộc diện giải tỏa diễn ra một cách chậm chạp, khiến người dân phải ở trong những túp lều, lán tạm bợ. Có những hộ may mắn thuê được nhà người thân nhưng gia đình ly tán, có khi vợ chồng con cái mỗi người ở một nơi, cả tuần mới được gặp nhau. Cuộc sống của những người dân nơi đây đang tồn tại không ít những khó khăn phải đối mặt.
Trong buổi trò chuyện với một số người dân ở đây về việc đền bù thiệt hại hoa màu trong diện tích xây dựng nhà máy, tôi thấy người dân khá bức xúc về vấn đề đền bù và giải tỏa. Việc khảo sát và xây dựng như “tiền trảm hậu tấu” khiến gặp không ít những khó khăn trong quá trình thi công.
(Khó khăn trong thi công là khó tránh khỏi -
Ảnh chụp 4/2013)
Diện tích hoa màu trong vùng san lấp đã được Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên kiểm đếm rõ ràng, đi kèm với đó là đơn giá đền bù cho từng loại diện tích hoa màu thiệt hại. Nhưng cho đến nay, việc khảo sát và xây dựng đã được tiến hành nhưng tiền đền bù thiệt hại vẫn chưa đến với tay người dân khiến họ lại càng ra sức cản trở. 
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, nắm bắt thông tin về tình hình đền bù thiệt hại, để việc thi công xây dựng được diễn ra một cách thuận lợi hơn. Hai là, đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư cho những hộ thuộc vùng giải tỏa để nhân dân sớm đi vào ổn định cuộc sống và sản xuất./.

No comments:

Post a Comment