Tuesday, August 5, 2014

Sinh Nhật Mẹ - 2014

Mẹ là những tiếng hát ấm áp ru con khi Đông lạnh về…
- Mẹ mua cho con cái máy tính nhé.
- Máy tính gì?
- À, cái máy tính bỏ túi ấy. Cái đấy có thể giải được Toán trên đó mẹ ạ.
- Có cần lắm không? Mà bao nhiêu tiền?
- Con tính lên lớp 9, con cố gắng học tốt để được đi thi giải Toán bằng máy tính Mẹ ạ.
- Nhưng mà bao nhiêu tiền?
- Con cũng không biết, nhưng mà nếu được học sinh giỏi cấp Huyện, cuối năm sẽ được tổng kết học lực giỏi, như thế thi cấp 3 sẽ dễ hơn.
- Ừ, để xem thế nào đã… nhưng phải học thật tốt thì mới không tiếc.
- Con hứa đấy!
Cái nắng của mùa Hè gay gắt thật, chỉ cần chạy ra ngoài một chút mà không mang theo cái áo dài là da sẽ đen xạm ngay. Ấy vậy mà ngoài kia, lúa đã chín vàng chờ đến ngày thu hoạch. Theo như từ ngữ ở địa phương thì lúa về vụ chiêm nó “mâu” lắm, tức là khi gặt mà không nhẹ nhàng thóc sẽ rụng đi đáng kể. Oái oăm sao khi mà lúa thì dễ rụng là vậy, mà chiếc xe thồ chẳng lúc nào là vơi. Nó cứ đầy ùn ùn ra đấy, có khi cao đến ngang ngửa đầu người. Tháng Năm, tháng Sáu trời hay mưa, đường đi vì thế mà lầy lội vô cùng. Nào trơn rồi trợt, ai mà không “chắc” tay lái là đổ như chơi.
- Này, đi cẩn thận nhé. Đổ ra đấy là no đòn đấy!
Tôi “Vầng!” trong cái thở dài thườn thượt, đã nặng thì chớ là còn cái ách ở trên đầu. Đi mà không khéo, đổ ra đấy là bị mắng như chơi. Sao cái tuổi 14, 15 mà khỏe vậy, nghĩ lại bây giờ chắc chẳng làm được như vậy.
Cái gió nhè nhẹ của những buổi tối mùa Hè nó dịu dàng lắm. Phóng tầm mắt ra xa phía cánh đồng, những vạt dài lấp lánh theo gợn sóng trên những thửa ruộng đã thu hoạch làm nổi bật lên những thửa ruộng còn dang dở. Trong cái bóng tối tỏ tỏ mờ mờ đó, đâu đây vẫn còn người qua lại.
Mẹ và tôi vẫn thường hay lên sân thượng để hóng gió sau giờ ăn tối. Chuyện này rồi chuyện nọ, những cuộc hội thoại cứ thế mà trải dài trải dài theo những câu chuyện. Chuyện buôn bán, chuyện công việc, chuyện học hành của tôi…
Cái năm cuối cấp bao giờ cũng là quãng thời gian căng thẳng nhất đối với những đứa như tôi là học sinh trường làng. Áp lực về học hành, thi cử đè nặng lên từng ngày đi học. Nghe nói thì cái trường cấp 3 bên Huyện tốt lắm, trường to, giáo viên giỏi… thành ra chẳng ai là không muốn thi vào trường đó. Khổ nỗi là điểm thi để được vào học trường đó cũng chẳng phải thấp, cao đến mức mà những người học trung bình như tôi khi nghe tới là phải lắc đầu ngao ngán.
- Ôi dào, trượt thì học trường bổ túc, bán công.
Nhiều khi cứ mạnh mồm như thế để trấn an cái nỗi lo lắng của bản thân, nhưng tôi biết Mẹ tôi sẽ buồn nhiều lắm khi nghe tới câu đó. Và rồi kế hoạch đã được vạch ra, tôi sẽ phải thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất.
- Đúng cái này rồi Mẹ ạ!
- Có chắc không?
- Chắc mà! Đây nhé, có hẳn dòng chữ “Made in Japan” này.
- Ừ, giữ cẩn thận đấy. Mất là no đòn.
Cho đến sau này khi lớn lên được tiếp xúc với nhiều thiết bị điện tử hiện đại khác, nhưng tôi vẫn không sao tìm lại được cái cảm xúc sung sướng khi được cầm cái máy tính bỏ túi đó. Được sở hữu cái máy tính đó, thực sự đó là điều mà tôi mong mỏi bấy lâu nay. Nó là một phần kế hoạch mà tôi đã dự định. Ngày đó Mẹ tôi đi bán lá Chè, chắc cái máy tính là số tiền mà Mẹ tôi đã dành dụm sau bao phiên chợ.
Cầm nó trên tay, tôi lo lắng lắm, lo vì không biết sử dụng, lo vì sợ bị mất, lo vì có nó mà học cũng sẽ không tốt… Cũng chẳng kém tôi, Mẹ dặn dò tôi từng li từng tí về cách bảo quản, giữ gìn…
Sau những chuỗi ngày học hành miệt mài vất vả, cũng đã đến ngày thi học sinh giỏi. Ừ thì chẳng biết có giỏi thật hay không như dẫu sao tôi cũng được tham dự. Tôi lo lắng lắm, vì nếu không được giải chắc sẽ chẳng còn chuyện thi cấp 3 trường Huyện nữa. Cũng vì lo lắng mà tôi đã quyết tâm làm bài thật tốt để đạt kết quả cao nhất. Những ngày sau khi thi quả là những ngày thật sự căng thẳng đôi với tôi. Chẳng biết kết quả ra sao nên tôi rất hồi hộp và lo lắng.
 - Em đỗ rồi nhé! – Câu nói của cô chủ nhiệm với vẻ mặt tươi cười khi thông báo kết quả thi làm tôi hạnh phúc đến muốn khóc. Tôi nghĩ tới Mẹ, nghĩ tới buổi chiều hôm đó mẹ chở tôi sang huyện mua chiếc máy tính. Tôi đã không phụ những hy vọng của Mẹ, chắc Mẹ cũng sẽ hạnh phúc lắm.
Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp Đại học và đã đi làm… Từng khoảng thời gian trong cuộc đời từ khi học cấp 3 và sau này là đi học Đại học, tôi vẫn không thể quên cuộc hội thoại giữa Mẹ và tôi trong buổi tối hôm đó. Nó nhắc cho tôi suy nghĩ về bản thân mình, về hoàn cảnh và những sự hy sinh của bố mẹ đã dành cho tôi…
"Con xin được kể vắn tắt lại câu chuyện đó với Mẹ để mong muốn Mẹ biết rằng, dù con có lớn đến đâu, có làm gì và ở đâu chăng nữa, thì trong tâm tư của con lúc nào cũng có một khoảng rất rộng để chứa những giá trị mà cuộc sống đã đem lại. Dù đi đâu, hay ở bất kỳ nơi nào, Bố Mẹ và Em Liên luôn là nơi để con tìm về, vì đó là cuộc sống của con."
“Sinh Nhật năm nay của Mẹ, con trai xin chúc Mẹ bước sang tuổi mới luôn luôn tràn đầy sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc!”
 Con trai:

Mai Phú Lực

Monday, April 8, 2013

SEVT - THÁI NGUYÊN

Có dịp tham gia khảo sát Địa chất công trình, phục vụ xây dựng kho chứa hàng cho nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) tại khu công nghiệp Yên Bình – huyện Phổ Yên – tỉnh Thái Nguyên, tôi mới thấy phần nào thấy được một số vấn đề tồn tại trong việc giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại và tái định cư ở đây.
(Khảo sát xây dựng tại khu nhà máy SEVT -
Ảnh chụp 4/2013)
Dự án SEVT được xây dựng trong khu công nghiệp Yên Bình, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích 100 hecta, có công suất thiết kế 100 triệu sản phẩm mỗi năm. Dự kiến, cuối năm 2013, nhà máy sản xuất điện thoại di động và các linh kiện cho điện thoại di động sẽ đi vào hoạt động sản xuất và sử dụng khoảng 2.000 lao động.
Chủ trương và đường lối của Nhà nước là luôn mở rộng cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, công ty nước ngoài vào đầu tư và sản xuất tại Việt Nam. Một trong những động thái tạo điều kiện thuận lợi đó, là đơn giản hóa thủ tục hành chính, xúc tiến và đẩy nhanh quá trình san lấp, giải phóng và bàn giao mặt bằng để lấy diện tích xây dựng các công trình phục vụ sản xuất. Khu công nghiệp Yên Bình nói chung, nhà máy SEVT nói riêng, được cho là hai dự án có tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Cuộc sống của người dân trong vùng thuộc dự án nhìn chung vẫn còn khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, một số diện tích trong thung lũng trồng lúa, đất trên đồi thường trồng lạc, sắn và các cây nông nghiệp ngắn ngày khác. Việc thu hồi đất phục vụ xây dựng khu công nghiệp đã lấy đi không ít diện tích đất ở cũng như đất canh tác của người dân nơi đây.
(Hoa màu trong vùng dự án -
Ảnh chụp 4/2013)
Có những hộ diện tích đất ở và đất canh tác lên tới vài hecta bỗng chốc thuộc diện di dời và giải tỏa. Nhà nào diện tích đất lớn, đồng nghĩa với việc tiền đền bù sẽ nhiều. Nhiều thì vài tỷ, có khi ít chỉ được vài chục triệu. Mất đất ở, mất đất canh tác, người dân nơi đây chưa biết trông chờ vào điều gì trong tương lai để sản xuất và sinh sinh sống?
Việc xây dựng khu tái định cư cho những hộ thuộc diện giải tỏa diễn ra một cách chậm chạp, khiến người dân phải ở trong những túp lều, lán tạm bợ. Có những hộ may mắn thuê được nhà người thân nhưng gia đình ly tán, có khi vợ chồng con cái mỗi người ở một nơi, cả tuần mới được gặp nhau. Cuộc sống của những người dân nơi đây đang tồn tại không ít những khó khăn phải đối mặt.
Trong buổi trò chuyện với một số người dân ở đây về việc đền bù thiệt hại hoa màu trong diện tích xây dựng nhà máy, tôi thấy người dân khá bức xúc về vấn đề đền bù và giải tỏa. Việc khảo sát và xây dựng như “tiền trảm hậu tấu” khiến gặp không ít những khó khăn trong quá trình thi công.
(Khó khăn trong thi công là khó tránh khỏi -
Ảnh chụp 4/2013)
Diện tích hoa màu trong vùng san lấp đã được Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phổ Yên kiểm đếm rõ ràng, đi kèm với đó là đơn giá đền bù cho từng loại diện tích hoa màu thiệt hại. Nhưng cho đến nay, việc khảo sát và xây dựng đã được tiến hành nhưng tiền đền bù thiệt hại vẫn chưa đến với tay người dân khiến họ lại càng ra sức cản trở. 
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát, nắm bắt thông tin về tình hình đền bù thiệt hại, để việc thi công xây dựng được diễn ra một cách thuận lợi hơn. Hai là, đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư cho những hộ thuộc vùng giải tỏa để nhân dân sớm đi vào ổn định cuộc sống và sản xuất./.

Sunday, January 27, 2013

SCARBOROUGH FAIR



Are you going to Scarborough Fair? 
Parsley, Sage, Rosemary, and Thyme.
Remember me to one who lives there.
He was once a true love of mine.

Tell him to make me a cambric shirt.
Parsley, Sage, Rosemary, and Thyme.
Without no seam nor needle work.
Then he'll be a true love of mine. 

Tell him to find me an acre of land.
Parsley, Sage, Rosemary, and Thyme. 
Between salt water and the sea strand. 
Then he'll be a true love of mine.

Tell him to reap it in a sickle of leather.
Parsley, Sage, Rosemary, and Thyme.
And gather it all in a bunch of heather.
Then he'll be a true love of mine.

Are you going to Scarborough Fair? 
Parsley, Sage, Rosemary, and Thyme.
Remember me to one who lives there. 
He was once a true love of mine.

Tuesday, January 22, 2013

TRIẾT HỌC - TẠI SAO KHÓ?

Sẽ chẳng có một ai nói rằng mình ưa một người cứ mở miệng ra là triết lý này triết lý nọ. Vô tình họ đã nhầm tưởng triết học chỉ gói gọn trong hai từ triết lý. Thật ra triết lý cũng là triết học nhưng triết lý đó phải đúng. Triết lý chỉ là hình thức thấp cấp nhất của triết học. Triết lý đứng sau triết luận và cao nhất là triết học. Bản thân tôi cũng không ưa mấy người lúc nào “bla bla” mấy câu triết lý nhàm chán và cũ rích. Vấn đề không phải là phủ nhận họ nói đúng, nhưng cách họ nói và giải quyết vấn đề quả thực là một khoảng cách khá xa mà chính họ đôi khi cũng chẳng thể đi tới. Những người như thế vô tình đã làm cho khái niệm triết học trở nên nhàm chán và đôi khi là mờ nhạt. Cũng vì như vậy mà đã xuất hiện không ít những tư tưởng đánh đồng giữa triết lý và triết học.
(Triết học - cuội nguồn của mọi tư duy)
Đôi khi triết học hiện hữu rất gần gũi trong cuộc sống, do không để ý nên phần lớn chúng ta đã không nhận ra sự có mặt của nó. Người ta muốn phát triển bản thân, vì vậy họ đã tham gia những khóa đào tạo này nọ để bổ sung kinh nghiệm và kiến thức trong cuộc sống. Họ không ngừng quan sát và nghiên cứu, đọc sách báo để nâng cao kiến thức chuyên môn và những kỹ năng cho bản thân mình. Đó là khi họ nhận thấy cần phải có thay đổi để bắt nhịp với cuộc sống hiện tại. Những kỹ năng, kinh nghiệm được sinh ra từ quá trình học hỏi đã thay thế cho những cái cũ đeo bám họ từ khi sinh ra đến lúc được tiếp nhận những tư tưởng mới. Đó là một trong những nội dung cơ bản của Triết học Mac – Lênin, quy luật phủ định.“Theo triết học Mác - Lênin thì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Không như vậy sự vật không phát triển được. Sự thay thế đó được triết học gọi là sự phủ định”Cái mới ra đời nhưng không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà có chọn lọc, giữ lại và cải tạo những mặt còn thích hợp, những mặt tích cực, nó chỉ gạt bỏ ở cái cũ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển. Vậy nên sự phát triển của một con người là chuỗi dài những lần phủ định bản thân có chọn lọc.
Người ta nói: “Triết học là ngành khoa học của mọi ngành khoa học”. Câu nhận định trên tôi thấy rất đúng. Bản thân tôi cũng là người hoạt động trong ngành một khoa học – kỹ thuật, tôi nhận thấy mình chưa đủ trình độ chuyên môn để nhận thức được sự đúng đắn toàn diện của câu nói đó trong thực thế. Với những gì tôi đã thấy và trải qua, tôi khẳng định điều đó là đúng đắn, đó là một chân lý. Triết học là ngành khoa học được đúc kết từ những thực tế, những quy luật đã được thừa nhận trong tự nhiên và xã hội. Nó giải quyết vấn đề ở mức tổng quát mà không đi vào giải quyết vấn một cách cụ thể, riêng rẽ cho từng sự vật, sự việc. Dựa trên những quy luật tổng quát đó mà ta có thể tìm ra được những “con đường” giải quyết những vấn đề tồn tại trong sự vật, sự việc một cách sáng suốt nhất. Nếu bạn nắm bắt được tất cả những quy luật, những luận điểm cốt yếu của triết học, chắc chắn trước những vấn đề của cuộc sống và công việc bạn sẽ có hướng giải quyết thích hợp nhất.
Nói về thực tế hiện nay cho riêng môn triết học trong các cơ sở giáo dục. Phần lớn sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc khối không chuyên sẽ không có hứng nghiên cứu và tiếp nhận môn học này. Có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng tôi thấy nổi lên hai lý do chính. Một là, sinh viên không nhận thức được tầm quan trọng của triết học trong tư duy và cuộc sống. Hai là, triết học là môn học khá trừu tượng và khó hiểu. Không có cảm hứng để học cộng khó hiểu đã làm nên những giờ triết học trên giảng đường vô tình trở thành những giờ học uể oải và nhàm chán nhất.
Bản thân tôi cũng đã trải qua giai đoạn đó của thời sinh viên. Năm đầu tiên khi bước vào trường đại học cũng là lúc tiếp xúc với môn triết học. Đã có ấn tượng từ thời cấp ba với những khái niệm trừu tượng và mơ hồ của triết học, vì thế tôi đã không có hứng với môn học này ngay từ những ngày đầu. Những giờ triết học quả là những buổi học lý tưởng cho những việc làm riêng. Đôi lúc có tập trung lắng nghe nhưng đa phần sẽ là không thể hiểu giáo viên đang truyền đạt nội dung gì. Quả thực, đó là khoảng thời gian tôi thấy sự bất lực trong nhận thức của bản thân bộc lộ một cách rõ nét nhất.
Sau một năm, hai năm… tôi lại bắt đầu tìm hiểu về triết học. Bắt đầu dò dẫm những khái niệm cơ bản đầu tiên, lần này đã khác lần trước ở chỗ cũng đã mơ hồ hiểu được đôi chút vấn đề trong những khái niệm đó. Tư duy và nhận thức về triết học cứ dần thế mà phát triển từng ngày. Càng tìm hiểu mới thấy được cái hay của triết học.
Tôi nhận thấy phần lớn giáo viên trong các trường đại học, khi giảng dạy môn học này đã không đưa ra các ví dụ và ứng dụng cụ thể cho những luận điểm đã nêu ra vào cuộc sống. Sinh viên vốn đã mơ hồ về các khái niệm, dù có nói nhiều cũng trở thành một sự thừa thãi. Vấn đề ở chỗ giáo viên phải làm sao để phá vỡ được những định kiến của sinh viên với môn triết học, đưa nó vào giảng dạy một cách khoa học, làm bật được vai trò của nó trong tư duy và đời sống mỗi con người. Nên đưa các ví dụ ứng dụng cụ thể của các quy luật, nguyên lý trong triết học một cách gần gũi nhất để người học có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Tôi vốn chẳng phải là một giáo viên, trình độ sư phạm hầu như không có, và ý kiến đưa ra chỉ là một cảm nhận thực tế của một người đi học. Tôi nhận thấy giảng dạy triết học còn tồn tại nhiều bất cập ở bậc giáo dục đại học trong thời gian gần đây.
Theo ý kiến của cá nhân tôi, triết học không khó để học nhưng phải biết cách tiếp cận với nó một cách khoa học và thực tế nhất. Không thể cứ nhồi nhét một cách tràn lan như thực tế hiện nay, kết quả nhận được chỉ là những định nghĩa được học thuộc lòng mà chẳng hiểu nội dung của những định nghĩa đó. Để làm được điều đó, cần giáo dục cho người học một cách đầy đủ nhất về vai trò của triết học trong tư duy và cuộc sống. Muốn thế phải có sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy cho đội ngũ những người đang trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn này./.

VỢ - NGƯỜI TÌNH – HỒNG NHAN TRI KỶ

Cái mà làm đàn ông không chịu nổi đó là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. 
Thế nào là vợ? Vợ là người con gái mà bạn tình nguyện giao cả gia tài cho cô ấy cất giữ. 
Thế nào là người tình? Người tình là người con gái mà bạn hẹn hò vụng trộm với cô ấy và sợ vợ phát hiện. Thế nào là hồng nhan tri kỷ? Hồng nhan tri kỷ là người con gái mà bạn có thể nói với cô ấy tất cả mọi bí mật kể cả điều mà bạn không thể nói được với vợ hay người tình. 
(Vợ là người bồn chồn, mong chờ khi đêm xuống
mà bạn vẫn chưa về)
Vợ là một sự ràng buộc bạn không thể tùy tiện cặp bồ với một người con gái khác. Người tình là một sự bù đắp cho bạn những tình cảm mãnh liệt mà ở người vợ còn thiếu hoặc bạn không tìm được ở người vợ. Hồng nhan tri kỷ là người chỉ rõ sự mê say trong trái tim bạn. 
Vợ sống cùng bạn từng ngày, người tình tiêu tiền cùng bạn, hồng nhan tri kỷ nói chuyện cùng bạn. Vợ không thể thay thế người tình, vì vợ không điều khiển được tình cảm như người tình; người tình không thể thay thế vợ, vì người tình không có được tình thân như vợ; vợ và người tình đều không thay thế được hồng nhan tri kỷ, vì đó nhu cầu của tâm linh. 
Vợ là người con gái không hề có chút quan hệ máu mủ nào với bạn nhưng lại bồn chồn mong nhớ mỗi khi màn đêm đã xuống mà bạn chưa về nhà; người tình là người con gái không hề có chút quan hệ gia đình với bạn nhưng lại làm cho bạn thỏa mãn mùi vị ái tình của đấng nam nhi; hồng nhan tri kỷ là người con gái chẳng có quan hệ gì với bạn cả nhưng lại có thể chia sẻ với bạn những vui buồn phiền muộn. 
Vợ là một ngôi nhà, là một bến cảng mang cho trái tim nông nổi của bạn sự vỗ về an ủi; người tình là gánh nặng của ngôi nhà, chẳng qua chưa đến nỗi vạn bất đắc kỷ, bạn không muốn vứt bỏ; hồng nhan tri kỷ là vật tô điểm cho ngôi nhà, không có cô ấy bạn không thấy cô đơn, nhưng bạn sẽ cảm thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì.
Sự quan tâm của người vợ như một ly nước lọc, có lúc trở thành sự lảm nhảm, chỉ khi bị ốm mới trở thành sự ôn hòa; sự quan tâm của người tình như cốc nước lọc đó bỏ thêm chút đường, dần dần qua một đêm rồi mà vẫn chưa thỏa mãn; sự quan tâm của hồng nhan tri kỷ giống như cốc cafe khi bạn đang làm việc lúc nửa đêm, càng uống càng tỉnh. 
Khi vợ có bầu thì sẽ hỏi bạn muốn có con gái hay con trai một cách rất tình cảm; khi người tình có bầu với bạn thì sẽ khóc và hỏi bạn phải làm sao bây giờ? Đối với hồng nhan tri kỷ, bạn sẽ kể cho cô ấy nghe chuyên người tình của bạn có bầu và sẽ hỏi cô ấy bạn nên làm thế nào. 
Khi vợ về nhà mẹ đẻ một tuần không quay lại bạn cũng không thấy nhớ; khi người tình mới ba ngày không gặp bạn liền gọi điện cho cô ấy: Em đi đâu đó? Tối nay chúng mình đến nơi cũ uống cafe được không? Khi trong lòng cảm thấy buồn khổ, bạn chỉ muốn tìm hồng nhan tri kỷ để trò chuyện, nói với cô ấy chuyện vận mệnh của bạn giữa vợ và người tình, thực tế không thể chịu đựng được nữa. 
Cái mà làm đàn ông không chịu nổi đó là sự lảm nhảm của người vợ, nước mắt của người tình và sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ. Sự lảm nhảm của người vợ làm đàn ông thấy đã rối cả lòng lại càng thêm rối hơn; nước mắt của người tình làm cho trái tim của đàn ông mềm yếu hơn; sự hiểu lầm của hồng nhan tri kỷ làm cho đàn ông thấy bị tổn thương, hụt hẫng. 
(Người tình cho bạn thỏa mãn mùi vị
ái tình của đấng nam nhi)
Người vợ tốt nhất là người mà đàn ông có thể tìm thấy ở cô ấy người tình và hồng nhan tri kỷ. Chỉ là cảm giác thôi mà đàn ông khó có thể tìm thấy. Người tình tốt nhất là người mà khi mối quan hệ của bạn và cô ấy bị vợ bạn phát hiện, cô ấy sẽ chủ động rút lui mà không có một yêu cầu gì hết. Nhưng khó mà tìm được điểm này của người tình. Hồng nhan tri kỷ tốt nhất là người đến một ngày nào đó sẽ trở thành người tình, thậm chí thành vợ của bạn. Chỉ là cái suy nghĩ này chẳng có chút hiện thực gì cả. 
Nếu như có thể, đàn ông rất muốn biến hồng nhan tri kỷ thành người tình, nếu có thể nữa thì sẽ muốn cô ấy thành người vợ. Nhưng nếu hồng nhan tri kỷ trở thành vợ rồi thì sẽ không còn là tri kỷ nữa, bởi vì rất ít đàn ông muốn biến vợ thành tri kỷ. Trái tim đàn ông có rất nhiều bí mật không thể tùy tiện nói cho vợ nghe, không thế thì làm sao gọi là đàn ông nữa. Lấy vợ là vì sợ người khác nói ra nói vào, tìm một người tình là vì muốn thêm chút gia vị vào để điều chỉnh cái cuộc sống tẻ nhạt, muốn có hồng nhan tri kỷ vì muốn tưới cho tâm hồn trống rỗng của họ một chút canh.
(Hồng nhan tri kỷ là nơi dốc hết mọi điều bí mật)
Đàn ông cả đời đi tìm không phải là vợ, cũng không phải là người tình mà là hồng nhan tri kỷ.

Tuesday, January 15, 2013

PHÍA SAU NHÂN VẬT CHÍNH

...5 năm trước
Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn của các bác sỹ, mình đã không sao, chỉ là đau bụng đơn thuần do rối loạn tiêu hóa. Sức khỏe đã đảm bảo nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Cơn đau bụng đêm qua tưởng chừng như mình không thể chịu nổi. Nghi ngờ bị viêm ruột thừa nên hôm nay mình phải nằm ở đây, cái bệnh viện huyện mà từ bé mình chưa bao giờ dám bén mảng tới vì sợ bị tiêm. Phòng bệnh về mùa hè chật kín những bệnh nhân, phần lớn là các cụ già do nóng quá nên phát nhiều chứng bệnh. Người thì khó thở, người thì tim mạch… tất cả đều được điều trị tại đây. Nóng bức và ngột ngạt là hai cảm nhận rõ nhất của mình trên tất cả những khuôn mặt kia.
Mình là học sinh cấp ba nên được ưu tiên một chút. Hai bố con mình được nằm riêng một dường. Sắp đến ngày tổng duyệt, mình quyết định đêm nay sẽ không ngủ để viết kịch bản cho vở kịch mà lớp mình sẽ tham dự sắp tới. Ý tưởng được dựng lên từ những đêm trằn trọc với trọng trách của một bí thư chi Đoàn lớp. Hôm nay mình sẽ viết, một vở kịch mà tác giả là một học sinh khối A chính cống.
(Đó là tôi -  Ảnh chụp: tháng 10 năm 2010)
Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm học trường mình lại tổ chức mít-tinh hưởng ứng tháng an toàn giao thông, mà các cấp chính quyền đã tuyên truyền và phát động. Lễ phát động năm nay, bên cạnh những tiết mục văn nghệ đã thành truyền thống sẽ có hai đến ba tiết mục kịch do các chi Đoàn lớp tự chuẩn bị. Lời của Bí thư  Đoàn trường tại cuộc họp đã tạo nên một sự xì xồ bàn tán, không khí lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt của người tham dự, phần lớn là Bí thư chi Đoàn các lớp. Một sự mới mẻ trong phong trào văn hóa - văn nghệ ở ngôi trường mình đang học. Thật không may cho mình, với vai trò của một bí thư chi Đoàn, mình buộc phải thực hiện.
Kịch bản ai viết? Ai sẽ tham gia diễn? Diễn thế nào và ai chỉ đạo diễn xuất? Câu hỏi mà bao đêm mình phải suy nghĩ. Mình thì không thể viết rồi. Với một cậu học sinh đã quen mặt với những điểm 5 tối đa là 6 sao có thể viết kịch? Những giờ viết văn thường là hai tiết, mình chia làm hai lần viết. Tiết thứ nhất để viết mở bài và một phần thân bài. Tiết thứ hai là để viết nốt thân bài và kết luận sau giờ ra chơi đi vệ sinh hai lần để lấy ý tưởng. Những bài văn của mình thường kết thúc sớm hơn mọi người 15 phút. Mười lăm phút còn lại là xin ra ngoài tiếp tục đi vệ sinh. Nói là đi vệ sinh như vậy chắc là hơi nhiều, nhưng có một lý do mà chắc rằng bọn con gái trong lớp không biết. Nhà vệ sinh tụi con trai gần với dãy học của mấy em gái lớp 11. Mỗi lần như vậy đều lướt qua và nháy mắt một cái với chịu về lớp. Đi vệ sinh chỉ là cái cớ ngụy biện cho mỗi lần đi ngắm gái. Nhiều lần như vậy nên thành quen. Có khi chẳng buồn nhưng cũng cứ phải lướt qua lướt lại vài lần mới thấy yên. Với những đứa khác, sao chúng nó viết nhiều và dài vậy? Tất cả những bài văn của mình đều được một nhận xét từ cô giáo, mà nó đã thành thương hiệu: “Chữ nghĩa và ý tứ rời rạc, hành văn lủng củng”. Những giờ làm văn với mình quả thực là một “cực hình” để viết ra những ý tưởng. Với mình, viết văn nó không giống như viết thư tán gái. Nhiều đêm đợi mọi người trong nhà đi ngủ, mình lại bắt đầu gấp sách vở lại và viết thư cho mấy em gái lớp 10 và 11. Không biết do đâu mà mình có thể viết thư dài vậy, kể ra thì cũng gần đầy một hòm thư đã xé vợi mà các em gái viết trả lời mình. Ngày đó chưa có sms nên khổ vậy đó.
Bắt đầu từ những gì diễn ra trước mắt trên con đường tới trường. Một ngày hai buổi đi học mà chẳng để ý được gì cho kịch bản sắp viết. Không lẽ lại đưa con đường với hai làn xe chạy vào kịch bản? Nếu như vậy chắc hẳn nó sẽ trở thành một vở kịch mà chẳng đứa nào dám đảm nhận để diễn. Nhân vật trong kịch bản chỉ có xe máy, xe đạp với ôtô, đứa nào mà dám diễn? Chọn lựa nhiều nhưng chẳng tìm ra được ý tưởng nào cho kịch bản mình sẽ phải viết. Thôi thì cứ đưa những gì đã xảy ra mà viết, có ai biết đấy là đâu. Và mình bắt đầu có ý tưởng để viết.
Lời thoại thì nhiều nhưng đại ý là có một cậu học sinh cấp 3 trốn nhà đi đua xe bằng số tiền xin mẹ đi sinh nhật. Không may cho cậu ta đã bị công an bắt giữ sau khi va quệt với người đi đường. Bà mẹ với khuôn mặt ngơ ngác nhìn đứa con trai bị công an đưa đi. Do mải làm ăn nên bố mẹ cậu ta chỉ biết cho cậu ta tiền mà không hề biết cậu ta đã dùng tiền đó làm gì. Khi sự việc xảy ra, được công an phổ biến về tình trạng hiện nay của giới trẻ, bà mẹ đã hiểu ra. Từ đó bà quan tâm tới gia đình và con cái hơn. Vở kịch đề cao vai trò giáo dục và quản lý con cái trong giai đoạn mới lớn của những cô cậu đang ngồi trên ghế nhà trường. Nếu thiếu đi sự  quan tâm và quản lý đúng hướng của gia đình, sẽ dễ dàng đưa chân vào con đường tội lỗi.
Vở kịch mình là tác giả đồng thời cũng là đạo diễn, kiêm luôn diễn viên. Diễn viên chính là cậu học sinh ngỗ ngược do mình đảm nhận. Vì là tổng duyệt nên sân khấu là một phòng học chật hẹp. Các lớp theo thứ tự vào “thi đấu”. Ngoài cửa sổ chật kín những học sinh các lớp đang xem phần diễn xuất của lớp mình. Người xem càng đông bao nhiêu, mình càng hồi hộp bấy nhiêu. Lo lắng và thật sự rất run nhưng vẫn phải diễn. Hành động quậy phá xen lẫn nịnh nọt của cậu bé với bà mẹ trong vở diễn để lại nhiều ấn tượng với người xem. Sau lần đó mình được nhận xét là có tài diễn xuất (hehe). Vở kịch kết thúc với bài hùng biện của cô bạn cùng lớp. Kém lớp 12P (sau này bọn nó nhất trường) nửa điểm nên lớp mình đã bị loại và không có cơ hội đi tiếp. Tuy là hơi buồn nhưng đó cũng là thành quả của một tuần tập luyện. Có thể mất công mất sức cho vở kịch, nhưng bù lại được sự can đảm và một chút ít kinh nghiệm trong cách thức tổ chức và thực hiện công việc khi được giao phó.
Mình được mấy đứa trong “ekip” làm việc của vở kịch nhận xét là có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. Vở kịch tuy chưa có dấu ấn đặc sắc nhưng nếu được “công diễn” trước toàn trường chắc cũng sẽ có những bài học nhất định. Mấy đứa bạn cùng tham gia vở kịch hỏi mình lấy ý tưởng từ đâu. Mình chỉ cười và nói rằng tự nghĩ. Chúng nó đâu biết nhân vật trong vở kịch chính là mình. Cậu học sinh bên ngoài có vẻ thư sinh nhưng bên trong thì ngỗ ngược, đã từng có lần đua xe nhưng chưa bị bắt. :D

Monday, January 14, 2013

BẾP TRẤU VÀ TUỔI THƠ

Bếp trấu bây giờ cũng không khác ngày xưa là mấy. Chỉ khác ở chỗ ngày xưa các cụ đắp bếp bằng đất sét, còn ngày nay tiến bộ hơn nên được đắp bằng vữa trộn xi-măng. Hôm nay ra nhà bác cả, nhà bác rộng rãi nên chừa lại một phần để xây bếp. Khu nhà bếp tách biệt riêng rẽ với khu nhà ở, một điều đặc biệt là trong không gian đó vẫn còn chiếc bếp trấu. Tôi lại được đun bếp, chiếc bếp đã gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ hôm nào.
Bên bếp lửa hồng
Bếp có cấu tạo đơn giản được đắp theo hình chữ U, hay như hình chiếc móng ngựa. Xung quanh được đắp bằng đất sét hay vôi vữa. Phía bên trên được đặt thêm một chiếc kiềng để đặt nồi lên đó. Bên trong là những thanh kim loại mỏng (thường là thép), dày khoảng vài milimet, được sắp xếp nhịp nhàng từ trên xuống dưới như những bậc thang. Trấu được chất ở trên cùng những “bậc thang” đó. Tuy đơn giản như vậy mà cháy ghê gớm. Ngày còn bé, tôi nhớ ông nội hay đắp cho nhà tôi những chiếc bếp như thế. Bếp trấu cũng tùy duyên mỗi người mà có cháy to hay nhỏ. Có người đắp nhiều mà mỗi lần đun đều khói “lòi mắt”, có người đắp bếp đơn giản mà cháy một cách lạ lùng.
Ngày xưa, cứ mỗi vụ Mùa đến, tức là khoảng khoảng tháng 10 hàng năm. Khi thu hoạch hết lúa ngoài đồng, người ta thường giữ lại những chiếc rơm chiếc rạ để đun bếp. Nhà nào ít thì một đống, nhiều thì có đến 2, 3 đống được xắn gọn gàng vào một khu đất trống. Vì cuộc sống ở quê đã khá giả hơn xưa nên những đống rơm, đống rạ đã không còn phổ biến. Người ta đã gần như bỏ đi toàn bộ và thay và đó là bếp than, bếp gas trong việc đun nấu. Có nhà cẩn thận, xắn rất gọn gàng và đẹp đẽ. Những đống rạ có hình cây nấm, bên trên xòe ra như cái nón, bên dưới thu lại gọn gàng. Những đống rạ như những kiệt tác nghệ thuật mà người “nghệ sỹ” phải thật khéo tay và kinh nghiệm lâu năm mới làm được. Nhìn họ làm, tôi ngưỡng mộ lắm. Mỗi lần nấu cơm, lại chạy ra đó ôm một ôm to tướng về đun bếp. Khoảng chừng ba đến bốn tháng thì những đống rơm, đống rạ đó cũng hết. Và lúc này, những chiếc bếp trấu lại được thịnh hành.
Trấu thường được lấy từ mỗi lần xát gạo. Thường thì người ta hay bán vo, tức là 1 khối trấu tương ứng với khoảng bao nhiêu thúng gì đó. Thời gian cũng khá lâu nên tôi không còn nhớ tỷ lệ tương ứng là bao nhiêu. Đang trong kho trấu để đóng vào những chiếc bao, tiếng máy xát lại ù ù làm cho công việc phải dừng lại vì bụi.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò trẻ con nghịch ngợm. Mẹ kể những lần tôi đun bếp, do mải chơi nên không để ý, làm nó tắt ngấm rồi phải nhóm lại. Có lần mải chơi không muốn đun bếp, bằng cách này nọ, tôi dùn cho thật nhiều trấu xuống bếp để nó khói um rồi tắt ngấm. Khói quá không ai chịu được nên tôi buộc được “miễn tội” đun bếp. Lòng vui như mở cờ, tôi lại tiếp tục chạy đi với trò chơi còn dang dở cùng lũ bạn. Kể ra thì cũng có nhiều trò xung quanh cái bếp trấu đó. Nhớ lại hồi ba hay bốn tuổi, khi tôi đang nấu cơm, mẹ đang mải làm gì đó ngoài sân để tôi đun bếp. Chẳng hiểu nghịch ngợm kiểu gì mà để hòn than củi đang cháy đỏ rực rơi vào đũng quần. Trẻ con nên hay khóc, tôi la toáng khiến mẹ phải chạy vào xem chuyện gì xảy ra. Hòn than củi làm cháy quần, dần dần chìm vào bên trong một cách chậm chạp. Thiếu chút nữa chắc hòn than đã rơi vào bên trong và không biết chuyện gì sẽ đến. Cũng từ lần đó mà chiếc quần yêu thích của tôi chính thức được thêm một mảnh vá to bằng bàn tay, sau này mỗi khi thấy tôi lại nhớ tới lần đun bếp đó.
Công việc hàng ngày khi còn bé là ngày hai bữa nấu cơm. Những hôm có hứng nấu cơm, đun bếp trấu cũng có cái hay của nó. Nó không cháy to và nhiều tro như bếp rạ, sạch sẽ và đun rất chóng. Những ngày mùa Đông lạnh mà được ngồi gần bếp trấu thật không gì ấm bằng. Thỉnh thoảng lại đi nhặt bắp ngô hay củ khoai vùi vào đó. Những củ khoai nướng đen thui, cháy xém nhưng thơm ngon lạ kỳ. Cái mùi vị đó đã lâu rồi mà tôi không còn bắt gặp.
Ngày nay, cuộc sống đã khá giả hơn xưa. Người ta cũng không còn sử dụng bếp trấu để nấu nướng một cách thông dụng như ngày nào. Nhưng những ký ức về chiếc bếp trấu vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Một hình ảnh đã gắn liền tuổi thơ tại vùng quê, nơi đó tôi được sinh ra và khôn lớn.