Tuesday, January 15, 2013

PHÍA SAU NHÂN VẬT CHÍNH

...5 năm trước
Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn của các bác sỹ, mình đã không sao, chỉ là đau bụng đơn thuần do rối loạn tiêu hóa. Sức khỏe đã đảm bảo nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Cơn đau bụng đêm qua tưởng chừng như mình không thể chịu nổi. Nghi ngờ bị viêm ruột thừa nên hôm nay mình phải nằm ở đây, cái bệnh viện huyện mà từ bé mình chưa bao giờ dám bén mảng tới vì sợ bị tiêm. Phòng bệnh về mùa hè chật kín những bệnh nhân, phần lớn là các cụ già do nóng quá nên phát nhiều chứng bệnh. Người thì khó thở, người thì tim mạch… tất cả đều được điều trị tại đây. Nóng bức và ngột ngạt là hai cảm nhận rõ nhất của mình trên tất cả những khuôn mặt kia.
Mình là học sinh cấp ba nên được ưu tiên một chút. Hai bố con mình được nằm riêng một dường. Sắp đến ngày tổng duyệt, mình quyết định đêm nay sẽ không ngủ để viết kịch bản cho vở kịch mà lớp mình sẽ tham dự sắp tới. Ý tưởng được dựng lên từ những đêm trằn trọc với trọng trách của một bí thư chi Đoàn lớp. Hôm nay mình sẽ viết, một vở kịch mà tác giả là một học sinh khối A chính cống.
(Đó là tôi -  Ảnh chụp: tháng 10 năm 2010)
Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm học trường mình lại tổ chức mít-tinh hưởng ứng tháng an toàn giao thông, mà các cấp chính quyền đã tuyên truyền và phát động. Lễ phát động năm nay, bên cạnh những tiết mục văn nghệ đã thành truyền thống sẽ có hai đến ba tiết mục kịch do các chi Đoàn lớp tự chuẩn bị. Lời của Bí thư  Đoàn trường tại cuộc họp đã tạo nên một sự xì xồ bàn tán, không khí lo âu hiện rõ trên từng khuôn mặt của người tham dự, phần lớn là Bí thư chi Đoàn các lớp. Một sự mới mẻ trong phong trào văn hóa - văn nghệ ở ngôi trường mình đang học. Thật không may cho mình, với vai trò của một bí thư chi Đoàn, mình buộc phải thực hiện.
Kịch bản ai viết? Ai sẽ tham gia diễn? Diễn thế nào và ai chỉ đạo diễn xuất? Câu hỏi mà bao đêm mình phải suy nghĩ. Mình thì không thể viết rồi. Với một cậu học sinh đã quen mặt với những điểm 5 tối đa là 6 sao có thể viết kịch? Những giờ viết văn thường là hai tiết, mình chia làm hai lần viết. Tiết thứ nhất để viết mở bài và một phần thân bài. Tiết thứ hai là để viết nốt thân bài và kết luận sau giờ ra chơi đi vệ sinh hai lần để lấy ý tưởng. Những bài văn của mình thường kết thúc sớm hơn mọi người 15 phút. Mười lăm phút còn lại là xin ra ngoài tiếp tục đi vệ sinh. Nói là đi vệ sinh như vậy chắc là hơi nhiều, nhưng có một lý do mà chắc rằng bọn con gái trong lớp không biết. Nhà vệ sinh tụi con trai gần với dãy học của mấy em gái lớp 11. Mỗi lần như vậy đều lướt qua và nháy mắt một cái với chịu về lớp. Đi vệ sinh chỉ là cái cớ ngụy biện cho mỗi lần đi ngắm gái. Nhiều lần như vậy nên thành quen. Có khi chẳng buồn nhưng cũng cứ phải lướt qua lướt lại vài lần mới thấy yên. Với những đứa khác, sao chúng nó viết nhiều và dài vậy? Tất cả những bài văn của mình đều được một nhận xét từ cô giáo, mà nó đã thành thương hiệu: “Chữ nghĩa và ý tứ rời rạc, hành văn lủng củng”. Những giờ làm văn với mình quả thực là một “cực hình” để viết ra những ý tưởng. Với mình, viết văn nó không giống như viết thư tán gái. Nhiều đêm đợi mọi người trong nhà đi ngủ, mình lại bắt đầu gấp sách vở lại và viết thư cho mấy em gái lớp 10 và 11. Không biết do đâu mà mình có thể viết thư dài vậy, kể ra thì cũng gần đầy một hòm thư đã xé vợi mà các em gái viết trả lời mình. Ngày đó chưa có sms nên khổ vậy đó.
Bắt đầu từ những gì diễn ra trước mắt trên con đường tới trường. Một ngày hai buổi đi học mà chẳng để ý được gì cho kịch bản sắp viết. Không lẽ lại đưa con đường với hai làn xe chạy vào kịch bản? Nếu như vậy chắc hẳn nó sẽ trở thành một vở kịch mà chẳng đứa nào dám đảm nhận để diễn. Nhân vật trong kịch bản chỉ có xe máy, xe đạp với ôtô, đứa nào mà dám diễn? Chọn lựa nhiều nhưng chẳng tìm ra được ý tưởng nào cho kịch bản mình sẽ phải viết. Thôi thì cứ đưa những gì đã xảy ra mà viết, có ai biết đấy là đâu. Và mình bắt đầu có ý tưởng để viết.
Lời thoại thì nhiều nhưng đại ý là có một cậu học sinh cấp 3 trốn nhà đi đua xe bằng số tiền xin mẹ đi sinh nhật. Không may cho cậu ta đã bị công an bắt giữ sau khi va quệt với người đi đường. Bà mẹ với khuôn mặt ngơ ngác nhìn đứa con trai bị công an đưa đi. Do mải làm ăn nên bố mẹ cậu ta chỉ biết cho cậu ta tiền mà không hề biết cậu ta đã dùng tiền đó làm gì. Khi sự việc xảy ra, được công an phổ biến về tình trạng hiện nay của giới trẻ, bà mẹ đã hiểu ra. Từ đó bà quan tâm tới gia đình và con cái hơn. Vở kịch đề cao vai trò giáo dục và quản lý con cái trong giai đoạn mới lớn của những cô cậu đang ngồi trên ghế nhà trường. Nếu thiếu đi sự  quan tâm và quản lý đúng hướng của gia đình, sẽ dễ dàng đưa chân vào con đường tội lỗi.
Vở kịch mình là tác giả đồng thời cũng là đạo diễn, kiêm luôn diễn viên. Diễn viên chính là cậu học sinh ngỗ ngược do mình đảm nhận. Vì là tổng duyệt nên sân khấu là một phòng học chật hẹp. Các lớp theo thứ tự vào “thi đấu”. Ngoài cửa sổ chật kín những học sinh các lớp đang xem phần diễn xuất của lớp mình. Người xem càng đông bao nhiêu, mình càng hồi hộp bấy nhiêu. Lo lắng và thật sự rất run nhưng vẫn phải diễn. Hành động quậy phá xen lẫn nịnh nọt của cậu bé với bà mẹ trong vở diễn để lại nhiều ấn tượng với người xem. Sau lần đó mình được nhận xét là có tài diễn xuất (hehe). Vở kịch kết thúc với bài hùng biện của cô bạn cùng lớp. Kém lớp 12P (sau này bọn nó nhất trường) nửa điểm nên lớp mình đã bị loại và không có cơ hội đi tiếp. Tuy là hơi buồn nhưng đó cũng là thành quả của một tuần tập luyện. Có thể mất công mất sức cho vở kịch, nhưng bù lại được sự can đảm và một chút ít kinh nghiệm trong cách thức tổ chức và thực hiện công việc khi được giao phó.
Mình được mấy đứa trong “ekip” làm việc của vở kịch nhận xét là có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. Vở kịch tuy chưa có dấu ấn đặc sắc nhưng nếu được “công diễn” trước toàn trường chắc cũng sẽ có những bài học nhất định. Mấy đứa bạn cùng tham gia vở kịch hỏi mình lấy ý tưởng từ đâu. Mình chỉ cười và nói rằng tự nghĩ. Chúng nó đâu biết nhân vật trong vở kịch chính là mình. Cậu học sinh bên ngoài có vẻ thư sinh nhưng bên trong thì ngỗ ngược, đã từng có lần đua xe nhưng chưa bị bắt. :D

No comments:

Post a Comment