Monday, January 14, 2013

BẾP TRẤU VÀ TUỔI THƠ

Bếp trấu bây giờ cũng không khác ngày xưa là mấy. Chỉ khác ở chỗ ngày xưa các cụ đắp bếp bằng đất sét, còn ngày nay tiến bộ hơn nên được đắp bằng vữa trộn xi-măng. Hôm nay ra nhà bác cả, nhà bác rộng rãi nên chừa lại một phần để xây bếp. Khu nhà bếp tách biệt riêng rẽ với khu nhà ở, một điều đặc biệt là trong không gian đó vẫn còn chiếc bếp trấu. Tôi lại được đun bếp, chiếc bếp đã gắn liền với những ngày tháng tuổi thơ hôm nào.
Bên bếp lửa hồng
Bếp có cấu tạo đơn giản được đắp theo hình chữ U, hay như hình chiếc móng ngựa. Xung quanh được đắp bằng đất sét hay vôi vữa. Phía bên trên được đặt thêm một chiếc kiềng để đặt nồi lên đó. Bên trong là những thanh kim loại mỏng (thường là thép), dày khoảng vài milimet, được sắp xếp nhịp nhàng từ trên xuống dưới như những bậc thang. Trấu được chất ở trên cùng những “bậc thang” đó. Tuy đơn giản như vậy mà cháy ghê gớm. Ngày còn bé, tôi nhớ ông nội hay đắp cho nhà tôi những chiếc bếp như thế. Bếp trấu cũng tùy duyên mỗi người mà có cháy to hay nhỏ. Có người đắp nhiều mà mỗi lần đun đều khói “lòi mắt”, có người đắp bếp đơn giản mà cháy một cách lạ lùng.
Ngày xưa, cứ mỗi vụ Mùa đến, tức là khoảng khoảng tháng 10 hàng năm. Khi thu hoạch hết lúa ngoài đồng, người ta thường giữ lại những chiếc rơm chiếc rạ để đun bếp. Nhà nào ít thì một đống, nhiều thì có đến 2, 3 đống được xắn gọn gàng vào một khu đất trống. Vì cuộc sống ở quê đã khá giả hơn xưa nên những đống rơm, đống rạ đã không còn phổ biến. Người ta đã gần như bỏ đi toàn bộ và thay và đó là bếp than, bếp gas trong việc đun nấu. Có nhà cẩn thận, xắn rất gọn gàng và đẹp đẽ. Những đống rạ có hình cây nấm, bên trên xòe ra như cái nón, bên dưới thu lại gọn gàng. Những đống rạ như những kiệt tác nghệ thuật mà người “nghệ sỹ” phải thật khéo tay và kinh nghiệm lâu năm mới làm được. Nhìn họ làm, tôi ngưỡng mộ lắm. Mỗi lần nấu cơm, lại chạy ra đó ôm một ôm to tướng về đun bếp. Khoảng chừng ba đến bốn tháng thì những đống rơm, đống rạ đó cũng hết. Và lúc này, những chiếc bếp trấu lại được thịnh hành.
Trấu thường được lấy từ mỗi lần xát gạo. Thường thì người ta hay bán vo, tức là 1 khối trấu tương ứng với khoảng bao nhiêu thúng gì đó. Thời gian cũng khá lâu nên tôi không còn nhớ tỷ lệ tương ứng là bao nhiêu. Đang trong kho trấu để đóng vào những chiếc bao, tiếng máy xát lại ù ù làm cho công việc phải dừng lại vì bụi.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những trò trẻ con nghịch ngợm. Mẹ kể những lần tôi đun bếp, do mải chơi nên không để ý, làm nó tắt ngấm rồi phải nhóm lại. Có lần mải chơi không muốn đun bếp, bằng cách này nọ, tôi dùn cho thật nhiều trấu xuống bếp để nó khói um rồi tắt ngấm. Khói quá không ai chịu được nên tôi buộc được “miễn tội” đun bếp. Lòng vui như mở cờ, tôi lại tiếp tục chạy đi với trò chơi còn dang dở cùng lũ bạn. Kể ra thì cũng có nhiều trò xung quanh cái bếp trấu đó. Nhớ lại hồi ba hay bốn tuổi, khi tôi đang nấu cơm, mẹ đang mải làm gì đó ngoài sân để tôi đun bếp. Chẳng hiểu nghịch ngợm kiểu gì mà để hòn than củi đang cháy đỏ rực rơi vào đũng quần. Trẻ con nên hay khóc, tôi la toáng khiến mẹ phải chạy vào xem chuyện gì xảy ra. Hòn than củi làm cháy quần, dần dần chìm vào bên trong một cách chậm chạp. Thiếu chút nữa chắc hòn than đã rơi vào bên trong và không biết chuyện gì sẽ đến. Cũng từ lần đó mà chiếc quần yêu thích của tôi chính thức được thêm một mảnh vá to bằng bàn tay, sau này mỗi khi thấy tôi lại nhớ tới lần đun bếp đó.
Công việc hàng ngày khi còn bé là ngày hai bữa nấu cơm. Những hôm có hứng nấu cơm, đun bếp trấu cũng có cái hay của nó. Nó không cháy to và nhiều tro như bếp rạ, sạch sẽ và đun rất chóng. Những ngày mùa Đông lạnh mà được ngồi gần bếp trấu thật không gì ấm bằng. Thỉnh thoảng lại đi nhặt bắp ngô hay củ khoai vùi vào đó. Những củ khoai nướng đen thui, cháy xém nhưng thơm ngon lạ kỳ. Cái mùi vị đó đã lâu rồi mà tôi không còn bắt gặp.
Ngày nay, cuộc sống đã khá giả hơn xưa. Người ta cũng không còn sử dụng bếp trấu để nấu nướng một cách thông dụng như ngày nào. Nhưng những ký ức về chiếc bếp trấu vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Một hình ảnh đã gắn liền tuổi thơ tại vùng quê, nơi đó tôi được sinh ra và khôn lớn.

No comments:

Post a Comment