Tuesday, January 22, 2013

TRIẾT HỌC - TẠI SAO KHÓ?

Sẽ chẳng có một ai nói rằng mình ưa một người cứ mở miệng ra là triết lý này triết lý nọ. Vô tình họ đã nhầm tưởng triết học chỉ gói gọn trong hai từ triết lý. Thật ra triết lý cũng là triết học nhưng triết lý đó phải đúng. Triết lý chỉ là hình thức thấp cấp nhất của triết học. Triết lý đứng sau triết luận và cao nhất là triết học. Bản thân tôi cũng không ưa mấy người lúc nào “bla bla” mấy câu triết lý nhàm chán và cũ rích. Vấn đề không phải là phủ nhận họ nói đúng, nhưng cách họ nói và giải quyết vấn đề quả thực là một khoảng cách khá xa mà chính họ đôi khi cũng chẳng thể đi tới. Những người như thế vô tình đã làm cho khái niệm triết học trở nên nhàm chán và đôi khi là mờ nhạt. Cũng vì như vậy mà đã xuất hiện không ít những tư tưởng đánh đồng giữa triết lý và triết học.
(Triết học - cuội nguồn của mọi tư duy)
Đôi khi triết học hiện hữu rất gần gũi trong cuộc sống, do không để ý nên phần lớn chúng ta đã không nhận ra sự có mặt của nó. Người ta muốn phát triển bản thân, vì vậy họ đã tham gia những khóa đào tạo này nọ để bổ sung kinh nghiệm và kiến thức trong cuộc sống. Họ không ngừng quan sát và nghiên cứu, đọc sách báo để nâng cao kiến thức chuyên môn và những kỹ năng cho bản thân mình. Đó là khi họ nhận thấy cần phải có thay đổi để bắt nhịp với cuộc sống hiện tại. Những kỹ năng, kinh nghiệm được sinh ra từ quá trình học hỏi đã thay thế cho những cái cũ đeo bám họ từ khi sinh ra đến lúc được tiếp nhận những tư tưởng mới. Đó là một trong những nội dung cơ bản của Triết học Mac – Lênin, quy luật phủ định.“Theo triết học Mác - Lênin thì bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay thế bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Không như vậy sự vật không phát triển được. Sự thay thế đó được triết học gọi là sự phủ định”Cái mới ra đời nhưng không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà có chọn lọc, giữ lại và cải tạo những mặt còn thích hợp, những mặt tích cực, nó chỉ gạt bỏ ở cái cũ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển. Vậy nên sự phát triển của một con người là chuỗi dài những lần phủ định bản thân có chọn lọc.
Người ta nói: “Triết học là ngành khoa học của mọi ngành khoa học”. Câu nhận định trên tôi thấy rất đúng. Bản thân tôi cũng là người hoạt động trong ngành một khoa học – kỹ thuật, tôi nhận thấy mình chưa đủ trình độ chuyên môn để nhận thức được sự đúng đắn toàn diện của câu nói đó trong thực thế. Với những gì tôi đã thấy và trải qua, tôi khẳng định điều đó là đúng đắn, đó là một chân lý. Triết học là ngành khoa học được đúc kết từ những thực tế, những quy luật đã được thừa nhận trong tự nhiên và xã hội. Nó giải quyết vấn đề ở mức tổng quát mà không đi vào giải quyết vấn một cách cụ thể, riêng rẽ cho từng sự vật, sự việc. Dựa trên những quy luật tổng quát đó mà ta có thể tìm ra được những “con đường” giải quyết những vấn đề tồn tại trong sự vật, sự việc một cách sáng suốt nhất. Nếu bạn nắm bắt được tất cả những quy luật, những luận điểm cốt yếu của triết học, chắc chắn trước những vấn đề của cuộc sống và công việc bạn sẽ có hướng giải quyết thích hợp nhất.
Nói về thực tế hiện nay cho riêng môn triết học trong các cơ sở giáo dục. Phần lớn sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc khối không chuyên sẽ không có hứng nghiên cứu và tiếp nhận môn học này. Có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng tôi thấy nổi lên hai lý do chính. Một là, sinh viên không nhận thức được tầm quan trọng của triết học trong tư duy và cuộc sống. Hai là, triết học là môn học khá trừu tượng và khó hiểu. Không có cảm hứng để học cộng khó hiểu đã làm nên những giờ triết học trên giảng đường vô tình trở thành những giờ học uể oải và nhàm chán nhất.
Bản thân tôi cũng đã trải qua giai đoạn đó của thời sinh viên. Năm đầu tiên khi bước vào trường đại học cũng là lúc tiếp xúc với môn triết học. Đã có ấn tượng từ thời cấp ba với những khái niệm trừu tượng và mơ hồ của triết học, vì thế tôi đã không có hứng với môn học này ngay từ những ngày đầu. Những giờ triết học quả là những buổi học lý tưởng cho những việc làm riêng. Đôi lúc có tập trung lắng nghe nhưng đa phần sẽ là không thể hiểu giáo viên đang truyền đạt nội dung gì. Quả thực, đó là khoảng thời gian tôi thấy sự bất lực trong nhận thức của bản thân bộc lộ một cách rõ nét nhất.
Sau một năm, hai năm… tôi lại bắt đầu tìm hiểu về triết học. Bắt đầu dò dẫm những khái niệm cơ bản đầu tiên, lần này đã khác lần trước ở chỗ cũng đã mơ hồ hiểu được đôi chút vấn đề trong những khái niệm đó. Tư duy và nhận thức về triết học cứ dần thế mà phát triển từng ngày. Càng tìm hiểu mới thấy được cái hay của triết học.
Tôi nhận thấy phần lớn giáo viên trong các trường đại học, khi giảng dạy môn học này đã không đưa ra các ví dụ và ứng dụng cụ thể cho những luận điểm đã nêu ra vào cuộc sống. Sinh viên vốn đã mơ hồ về các khái niệm, dù có nói nhiều cũng trở thành một sự thừa thãi. Vấn đề ở chỗ giáo viên phải làm sao để phá vỡ được những định kiến của sinh viên với môn triết học, đưa nó vào giảng dạy một cách khoa học, làm bật được vai trò của nó trong tư duy và đời sống mỗi con người. Nên đưa các ví dụ ứng dụng cụ thể của các quy luật, nguyên lý trong triết học một cách gần gũi nhất để người học có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Tôi vốn chẳng phải là một giáo viên, trình độ sư phạm hầu như không có, và ý kiến đưa ra chỉ là một cảm nhận thực tế của một người đi học. Tôi nhận thấy giảng dạy triết học còn tồn tại nhiều bất cập ở bậc giáo dục đại học trong thời gian gần đây.
Theo ý kiến của cá nhân tôi, triết học không khó để học nhưng phải biết cách tiếp cận với nó một cách khoa học và thực tế nhất. Không thể cứ nhồi nhét một cách tràn lan như thực tế hiện nay, kết quả nhận được chỉ là những định nghĩa được học thuộc lòng mà chẳng hiểu nội dung của những định nghĩa đó. Để làm được điều đó, cần giáo dục cho người học một cách đầy đủ nhất về vai trò của triết học trong tư duy và cuộc sống. Muốn thế phải có sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy cho đội ngũ những người đang trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn này./.

No comments:

Post a Comment